Lựa chọn phương pháp nắn chỉnh răng nào tốt nhất
Răng mọc lệch, răng khểnh, răng vẩu không chỉ khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp mà còn ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai, sâu răng và viêm lợi. Lựa chọn phương pháp nắn chỉnh răng có thể giúp cải thiện tình trạng trên nhưng thời gian nắn chỉnh răng là bao lâu? Lứa tuổi nào nắn chỉnh răng là tốt nhất? Sử dụng khí cụ nào cho phù hợp?... là những thắc mắc của nhiều bạn đọc gửi đến tòa soạn báo Sức khỏe & Đời sống. Bài viết dưới đây của BS. Nguyệt sẽ giải đáp những câu hỏi trên.
Một số thói quen xấu ảnh hưởng đến răng mọc lệch lạc
Thói quen mút tay: Mặc dù hầu hết các trẻ đều mút tay nhưng nếu thói quen này kéo dài thì có thể dẫn đến lệch lạc răng. Mút tay trong thời kỳ răng sữa ít có hậu quả lâu dài. Tuy nhiên thói quen mút tay kéo dài sau khi răng vĩnh viễn mọc sẽ dễ dẫn đến lệch lạc răng. Khi các ngón tay đặt lên giữa hai nhóm răng cửa trên và dưới tạo lực nén trực tiếp sẽ đẩy răng cửa trên mọc chìa ra trước, răng cửa dưới nghiêng vào trong, hai hàm cắn không khít và khi mút tạo áp lực âm trong khoang miệng, môi và má sẽ ép vào làm hẹp cung hàm. Mức độ lệch lạc răng tỷ lệ thuận với số giờ trẻ mút tay mỗi ngày, đặc biệt những trẻ mút tay suốt đêm khi ngủ thì nguy cơ răng mọc lệch lạc càng cao.
Thói quen đẩy lưỡi: Đây là hiện tượng sinh lý bình thường khi trẻ nuốt. Đẩy lưỡi mỗi khi nuốt điển hình kéo dài khoảng 1 giây, không đủ thời gian gây ảnh huởng lên sự lệch lạc của răng. Tuy nhiên, nếu đẩy lưỡi của bệnh nhân và có tư thế nghỉ về phía trước, thời gian kéo dài có thể làm sai vị trí của răng. Ở trẻ cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng.
Kiểu thở: Một trong những nguyên nhân gây sai vị trí răng nữa là thở bằng miệng, thường gặp ở những người có tư thế đầu hơi ngửa ra sau, hàm dưới thấp cùng với sự tắc nghẽn mũi.
Dinh dưỡng: Ngoài các chất dinh dưỡng chính như protid, glucid, lipid thì canxi cũng là chất khoáng không thể thiếu cho sự phát triển và duy trì cấu trúc của xương. Thiếu canxi có thể làm cho trẻ có sự cắn tiếp khớp giữa hai hàm không khít do xương hàm phát triển không đầy đủ.
Ngoài protid, phospho, các vitamin D, K, C và một số nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm, mangan, magie cũng tham gia và tác động ảnh hưởng đến tế bào xương.
Một số phương pháp nắn chỉnh răng
Nắn chỉnh răng cửa phòng ngừa: Bao gồm việc giữ gìn các răng và giúp trẻ bỏ các tật xấu để tránh các lệch lạc răng do các nguyên nhân nêu trên gây nên.
Nắn chỉnh răng cửa can thiệp: Ngoài việc giúp cho các bệnh nhân loại bỏ thói quen xấu gây lệch lạc cho răng, thì nhổ các răng sữa có hướng dẫn để tạo điều kiện cho răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn trên cung hàm cũng rất quan trọng. Các răng sữa về sau sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn và ở những thời điểm khác nhau kéo dài từ khoảng 6-12 tuổi. Tuy nhiên, chúng ta không nên để răng sữa bị mất sớm vì không những làm cho trẻ khó ăn nhai, ảnh hưởng đến phát âm, tâm lý mặc cảm mà còn gây sai lạc sự tiếp khớp của hai hàm răng vĩnh viễn sau này vì mất răng sữa sẽ mất sự giữ khoảng không gian cho răng vĩnh viễn. Khi răng đến tuổi thay và lung lay hoặc chưa đến tuổi thay nhưng răng vĩnh viễn mọc lệch ngay cạnh thì cần đưa trẻ đi khám để nhổ răng có hướng dẫn.
Nắn chỉnh răng còn giúp cho việc điều trị các bệnh nha chu và phục hồi những răng đã mất. Nắn hàm loại này thường chỉ kéo dài dưới 6 tháng và chỉ sắp xếp lại cho ngay ngắn từng đoạn của cung răng. Răng sau khi được nắn chỉnh sẽ đều, ngay ngắn, chức năng nhai tốt hơn và phòng ngừa được bệnh nha chu.
Các khí cụ trong nắn chỉnh răng
Nắn chỉnh răng dùng khí cụ tháo lắp: Là khí cụ mà bệnh nhân có thể tự tháo ra và mang vào miệng dễ dàng. Thuận lợi của loại khí cụ này là trẻ có thể tháo ra theo ý muốn nên dễ được chấp nhận. Khí cụ thích hợp với những trường hợp ở giai đoạn xương hàm đang phát triển và chi phí thấp.
Bất lợi của loại khí cụ này là kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của bệnh nhân vì chỉ có tác dụng khi mang vào miệng. Khí cụ này không điều chỉnh được những răng phức tạp.
Do những bất lợi này, khí cụ tháo lắp thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị và sau thường được thay thế bằng khí cụ cố định.
Nắn chỉnh răng dùng khí cụ cố định: Khí cụ này được gắn chặt lên răng và có rất nhiều ưu điểm: kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân, điều trị cho hiệu quả tốt đối với những trường hợp răng lệch lạc phức tạp. Khí cụ cố định được gắn lên mặt ngoài của răng (mắc cài) nếu bằng kim loại thì sẽ có màu kém thẩm mỹ nhưng hiện nay đã có mắc cài sứ, composit có màu như men răng nên khi mang sẽ đẹp hơn. Sau khi các răng đều ngay ngắn thì khí cụ này sẽ được tháo ra. Tuy nhiên nhược điểm của điều trị bằng khí cụ cố định là chi phí cao.
Hiện nay hai loại khí cụ này được dùng phổ biến để nắn chỉnh răng và mang lại nhiều hiệu quả rất tốt, ngoài ra còn có khí cụ tháo lắp chuyên dụng để giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu gây ảnh hưởng tới sự ngay ngắn của răng. Trong mọi trường hợp, khi nắn răng bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ đều đặn để được khám lại và theo dõi thường xuyên.
Thời gian nắn chỉnh răng cửa tùy thuộc vào tình trạng khấp khểnh và lứa tuổi, trung bình kéo dài 12-36 tháng.
Tuổi nào nắn chỉnh răng là tốt nhất?
Lứa tuổi tốt nhất để nắn chỉnh răng là 12-16 tuổi, đây là giai đoạn có thể thực hiện nắn chỉnh răng một cách toàn diện. Tuy nhiên nắn chỉnh răng cửa phòng ngừa cần thực hiện rất sớm ngay khi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn (6-7 tuổi) để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng. Ở lứa tuổi lớn hơn (trên 16 tuổi) tuy khó hơn nhưng việc nắn chỉnh răng vẫn đạt kết quả tốt và thường thích hợp với loại khí cụ cố định.