Nhổ răng phẫu thuật những răng khó
Nhổ răng phẫu thuật thường được áp dụng khi dùng kìm bẩy thât bại, hoặc sử dụng để nhổ răng mọc lệch, chìm. Phương pháp có nhiều thay đổi tuỳ từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc chung có các giai đoạn sau:
- Mở vào răng và xương ổ răng bằng cách tạo vạt.
- Mở đường xương vào răng một cách tối thiểu.
- Lấy răng bằng dụng cụ đơn giả( kìm, bẩy ) Hoặc phải dùng máy khoan tạo lỗ điểm tựa cho bẩy, hoặc chia cắt răng để lấy từng phần.
- Khâu đóng vạt.
I. Vạt để mở đường vào
1. Phân loại vạt: Vạt được phân loại dựa trên
1.1. Thành phần tổ chức cấu tạo vạt
- Vạt niêm mạc
- Vạt niêm mạc – màng xương.
1.2. Nơi tạo vạt
- Vạt hành lang
- Vạt khẩu cái.
1.3. Hình dạng vạt:
- Vạt bao
- Vạt hình vợt hay bán nguyệt
- Vạt có chân nuôi.
Đa số các vạt đều được tạo ở hành lang(Tiền đình) , vì dễ quan sát.
II. Chỉ định:
1. Thất bại khi nhổ răng thường bằng kìm; do bắt kìm làm vỡ thân răng hay thân răng trước đó đã bị hư hỏng nặng vì sâu hay sang chấn...
2. Chụp phim phát hiện 2 hay 3 chân quá doãng. Răng đã điều trị tuỷ bị dính khớp, chân răng dài , mảnh
3. Chóp răng mảnh, nằm sát đáy xoang hàm; nếu dùng bẩy sẽ làm thủng xoang.
4. Trên phim phát hiện có u xi măng (cementoma) ở chóp răng.
5. Răng giòn nằm trong xương ổ răng quá đặc rắn ở ngưới lớn tuổi.
6. Răng nanh hàm trên quá chắc, nếu dùng kìm lay mạnh có thể làm vỡ tấm xương ở phía vòm miệng – cần bảo vệ ổ răng.
7. Khoảng nha chu hẹp.
8. Tiếp giáp gần các bộ phận giải phẫu khác: các răng khác, xoang hàm, ống răng dưới.
III. Kỹ thuật:
Nguyên tắc cơ bản
- Gây tê vùng phối hợp với gây tê tại chỗ
- Tạo đường ra không bị cản trở, làm thương tổn xương và phần mềm ít nhất.
- Bước 1 : Tạo vạt thường là vạt dầy toàn bộ niêm mạc màng xương.
- Bước 2 : Mở lớp xương phủ răng hay chân răng, để lộ phần răng muốn khoan để tạo lỗ bẩy. Luôn phải tưới nước serum sinh lý để làm nguội tránh tiêu xương, ngoài ra để rửa sạch máu và dễ quan sát vùng mổ.
- Bước 3: Chia cắt răng tuỳ trường hợp bằng mũi khoan tròn hoặc mũi khoan trụ.
- Bước 4 : Dùng bẩy và kìm lấy răng.
IV. Một số trường hợp
1. Răng nanh hàm trên
Gây tê vùng phối hợp với gây tê tại chỗ
- Tạo vạt bao ngoài với đường rạch giảm căng phía gần.
- Dùng mũi khoan tròn hay trụ phối hợp với cây gọt xương, mở tấm xương ngoài đến 1/2 hoặc 2/3 chân răng
- Mài nhỏ chân răng theo chiều trục răng.
- Khoan lỗ rãnh ngang chân răng.
- Dùng bẩy lấy răng theo chiều trên xuống dưới và ra ngoài.
2. Răng hàm lớn hàm trên
Gây tê vùng phối hợp với gây tê tại chỗ
- Tạo vạt bao ngoài với đường rạch chéo gần, hình thành vợt tam giác.
- Mở xương mặt ngoài tới nơi chia hai chân ngoài.(Bờ ngoài xương ổ răng)
- Dùng mũi khoan tròn khoan giữa buồng tuỷ thủng tới hết sàn, rồi thay bằng mũi khoan trụ cắt răng theo chiều gần xa chia cắt chân răng phía vòm.
- Dùng kìm lưỡi lê hay bẩy thẳng lấy chân vòm miệng trước, hoặc dùng kìm cặp xoay tròn và rút chân răng ra.
- Lấy 2 chân ngoài: Cắt rời hai chân , sau đó bẩy lấy từng chân. Đường chia cắt tách 3 chân có dạng chữ T hay chữ Y.
3. Đối với răng hàm dưới
Răng 2 chân.
- Đối với chân răng thẳng bình thường: H1 Tách rời chân gần và xa bằng mũi khoan trụ, dùng mũi khoan khoan xung quanh chân răng làm điểm bẩy sau đó dùng bẩy lấy từng chân lên.
- Hai chân răng cong quặp vào nhau: H2 Sau khi dùng mũi khoan trụ tách rời hai chân gần và xa, dùng mũi khoan tròn phá một phần hay toàn bộ vách ngăn giữa 2 chân răng. Sau đó lấy chân răng ngắn trước, dài sau.
4. Xử trí mảnh vỡ cuống răng
4.1. Nếu cuống răng không nhiễm khuẩn( không có u hạt...) có thể lưu lai một thời gian
4.2. Nếu cuống răng nhiễm khuẩn cần lấy ngay.
- Dùng bẩy chân răng hoặc dùng mũi khoan phối hợp tạo điểm tựa cho bẩy
- Hoặc dùng mũi khoan trụ khoan nát lỗ cuống răng.
4.3. Nếu lưu chân răng lại sau vài tháng mới lấy tiếp thì phải rạch lợi để lộ vùng cuống răng sau đó dùng khoan hay đục bộc lộ vùng cuống răng và lấy răng.